Khi đất nước đang còn chiến tranh, một ngày có 30 người hay nhiều hơn nữa đã hy sinh tính mạng, đó là sự mất mát lớn nhưng rất có ý nghĩa – hy sinh vì yêu nước, vì nền độc lập của dân tộc, tự do của nhân dân. Nhưng nay chiến tranh đã kết thúc, hòa bình lập lại, nhưng sao hàng năm trung bình mỗi ngày, cả nước vẫn có hơn 30 người bị thiệt mạng và hàng trăm người bị thương tật suốt đời.
Những mất mát đó thật khủng khiếp và vô nghĩa, nó đồng nghĩa mỗi ngày có hàng trăm gia đình Việt Nam gánh chịu sự mất mát và đau thương, những trẻ em mất cha, mất mẹ trở thành mồ côi không nơi nương tựa, những người bố, người mẹ mất đi những đứa con bao năm nuôi dưỡng đã trưởng thành, và do đó xã hội cũng đã mất đi những công dân tài năng, yêu nước, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời làm mất niềm tin về sự an toàn khi đến tham quan đất nước và hợp tác kinh tế của bạn bè và các đối tác trên thế giới. Những mất mát đó do đâu? Tất cả đều do tai nạn giao thông mang lại mà phương tiện chủ yếu là xe ôtô, mô tô, xe gắn máy, do người điều khiển phương tiện thiếu ý chức chấp hành luật lệ giao thông, do nồng độ cồn trong máu quá cao, do lạng lách, đánh võng của một bộ phận người tham gia giao thông thiếu ý thức.
Hiện nay, tình hình giao thông Việt Nam vô cùng phức tạp với số người tử vong vì tai nạn giao thông hàng năm còn rất cao và có tới 30% trong số đó là học sinh và các em nhỏ. Theo thống kê của Tổ chức An toàn giao thông, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 8.385 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.810 người, bị thương 6.358 người. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông cho trẻ em chủ yếu xuất phát từ người lớn, do ý thức tham gia giao thông, kỹ năng lái xe an toàn và khả năng dự đoán để phòng tránh nguy hiểm còn kém. Nhưng bên cạnh đó, bản thân các em do chưa biết cách tự bảo vệ mình tránh khỏi tai nạn giao thông, đã trở thành nạn nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Do vậy, với mong muốn xây dựng ý thức về ATGT cho các em – thế hệ tương lai của đất nước, để các em có thể tự bảo vệ mình tránh khỏi những tai nạn giao thông đáng tiếc và để các em lớn lên trở thành những công dân có ý thức tốt về an toàn giao thông. Thấu hiểu điều này, ngay từ những ngày đầu tiên của năm học mới 2019 - 2020, vào ngày 16 tháng 9 năm 2019, Ban Giám Hiệu đã chỉ đạo tập thể lớp 7A1 thực hiện tiết sinh hoạt dưới cờ với chủ đề giáo dục pháp luật“Chúng em với An toàn giao thông”. Dự tiết sinh hoạt tập thể có các thầy cô giáo trong BGH, các thầy cô giáo trong trường và toàn thể các em học sinh khối 6,7.
Mở đầu tiết sinh hoạt là một tiết mục văn nghệ rất đặc sắc và đầy ấn tượng do em Vũ Doãn Bình – một dancer chuyên nghiệp của lớp 7A1 biểu diễn trên nền nhạc “Senorita”. Để củng cố và xây dựng ý thức tham gia giao thông an toàn là một vở kịch hết sức ý nghĩa, vở kịch “Văn hóa giao thông” do các em thể hiện. Qua vở kịch này thông điệp mà tập thể 7A1 muốn truyền tải là “Thay đổi văn hóa giao thông - bắt đầu từ chính bạn.” Trong buổi sinh hoạt dưới cờ ,các em học sinh đã cùng tìm hiểu về một số câu hỏi liên quan đến những kĩ năng cần có để tham gia giao thông an toàn. Có thể nói bảo đảm an toàn giao thông là văn hóa, là tinh thần trách nhiệm đối với đời sống của cộng đồng. Với tinh thần "mình vì mọi người, mọi người vì mình", vì cuộc sống bình yên của chính mình cũng như sự bình yên của người khác. Chính vì vậy hơn lúc nào hết mỗi chúng ta phải gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông để đem lại hạnh phúc cho chính mình cũng như cho cộng đồng, góp phần xây dựng cuộc sống xã hội ngày càng văn minh hơn, tốt đẹp hơn. Qua chương trình này tập thể lớp 7A1 xin gửi thông điệp:
+ Đội mũ bảo hiểm đúng quy định khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
+ An toàn giao thông là trách nhiệm của mỗi người.
+ An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà!
+ Đèn đỏ qua rồi lại đến, sinh mạng không có lần hai.
+ Thay đổi văn hóa giao thông - bắt đầu từ chính bạn.
+ Hãy kể cho tôi cách bạn tham gia giao thông, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào.
+ Một người có ý thức chấp hành luật giao thông đem lại hạnh phúc cho nhiều người.
+ Tuổi trẻ học đường nói không với tai nạn giao thông.
+ Học sinh trường THCS Phan Đình Giót hãy thể hiện mình là người có văn hóa giao thông.
An toàn giao thông là trách nhiệm và bổn phận của mỗi người dân
Là người thường xuyên tham giao giao thông, chúng ta tiếp tục nêu cao ý thức chấp hành luật giao thông, tích cực tham gia xây dựng văn hóa giao thông không chỉ bằng những lời nói mà cả bằng hành động cụ thể, thiết thực để góp phần làm giảm thiểu những thiệt hại do tai nạn giao thông gây nên.
An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi gia đình và của toàn xã hội
Kết thúc chương trình tập thể 7A1 với bài hát múa “Vươn cao Việt Nam”, với thông điệp “An toàn giao thông là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà”, tất cả chúng ta hãy nhận thức sâu sắc về vấn đề An toàn giao thông và bằng việc làm của mình trong việc chấp hành luật giao thông, xây dựng văn hóa giao thông. Mỗi lời nói gắn với việc làm của mỗi người, tuy rất nhỏ nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn đối với bản thân, gia đình và xã hội. Chúng ta hãy luôn luôn cố gắng để hoàn thành tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trên “Mặt trận giao thông”, để đem lại hạnh phúc cho mình, cho mọi người, mọi nhà và cho toàn xã hội.
Tiết sinh hoạt với chủ đề giáo dục pháp luật“Chúng em với An toàn giao thông” đã làm tăng thêm niềm vui cho các em khi học về ATGT, để tạo cơ hội cho các em được giao lưu, trao đổi, nâng cao kiến thức ATGT và đặc biệt làm chuyển biến một mức quan trọng về nhận thức và ý thức tôn trọng, tự giác chấp hành LUẬT GIAO THÔNG trong học sinh, tạo ra một sân chơi vui và bổ ích giúp HS hình thành được những kỹ năng cơ bản về ATGT, bổ sung, củng cố kiến thức ATGT và phát huy được tính tích cực chủ động trong học tập tìm hiểu luật ATGT cho các em.