Không biết tự bao giờ, trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân – thành phố Hà Nội) đã trở thành ngôi nhà thứ hai của mỗi người giáo viên chúng tôi. Nơi đây có biết bao thầy cô giáo, bao đồng nghiệp luôn tâm huyết, nhiệt tình cho sự nghiệp giáo dục; có biết bao người anh, người chị đáng kính đã để lại trong lớp lớp thế hệ giáo viên trẻ chúng tôi sự ngưỡng mộ, tin tưởng và tự hào. Và trong những bông hoa ngát hương trường tôi, có một bông hoa luôn lặng lẽ tỏa sắc của một tấm lòng nhân hậu, yêu thương từ một người mẹ, người chị; một trái tim nhiệt huyết, sáng tạo của người đồng nghiệp, người thầy đáng kính. Đó là cô giáo Nguyễn Thanh Huyền – Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường – người đã gắn kết các thành viên để cùng cống hiến dưới mái nhà Phan Đình Giót thân yêu.
Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền được Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân điều động giữ chức vụ Hiệu trưởng trường THCS Phan Đình Giót từ tháng 4 năm 2017. Trong suy nghĩ của tôi, những đồng chí làm công tác lãnh đạo là những người bản lĩnh, mạnh mẽ, quyết liệt, khó gần và thậm chí còn có thể coi là những người “thét ra lửa”. Vậy nhưng, ngay từ buổi đầu chị về ra mắt Hội đồng sư phạm nhà trường, mọi suy nghĩ của tôi về người phụ nữ làm công tác lãnh đạo hoàn toàn tan biến. Chị dịu dàng, tình cảm, giọng nói trìu mến, ánh nhìn thân thiện, khuôn mặt hiền từ. Trải qua 3 năm học được làm việc bên cạnh người phụ nữ ấm áp ấy, hiểu chị, tôi càng khâm phục một cô giáo, một người quản lí đầy tinh thần trách nhiệm, đầy nhân văn mà cũng hết sức khoa học, sáng tạo, nhiệt huyết.
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Hà Nội, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư Phạm năm 1997, chị hăng hái nhận nhiệm vụ giảng dạy tại trường THCS Phương Liệt – quận Thanh Xuân. Trong những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ cống hiến hết mình, chị luôn tận tâm với công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bạn bè, đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh tin yêu. Đến năm 2006, chị được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ giữ chức Phó hiệu trưởng trường THCS Phương Liệt quận Thanh Xuân, rồi Phó trưởng phòng Nội vụ Quận. Đến tháng 4 – 2017, chị được điều động về công tác tại trường THCS Phan Đình Giót với cương vị là Hiệu trưởng nhà trường. Từ khi có chị dẫn dắt, trường THCS Phan Đình Giót càng nối thêm bề dày thành tích, tô tậm thêm niềm tự hào về truyền thống nhà trường. Có được điều đó là do đồng chí Hiệu trưởng trường tôi luôn quan tâm, đặt ưu tiên hàng đầu cho công tác đảm bảo chất lượng hai mặt giáo dục của nhà trường.
Trước hết, đối với học sinh, chị luôn băn khoăn, trăn trở, coi việc rèn đức, luyện tài cho các con là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh, thân thiện để các em học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, để ngôi trường THCS Phan Đình Giót thực sự trở thành một “trường học hạnh phúc” của cả giáo viên và học sinh. Chính vì thế, chị Huyền luôn quan tâm đến chất lượng các giờ học. Ngay từ đầu mỗi năm học, chị đã cùng Ban giám hiệu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức phát động các phong trào thi đua học tập, phấn đấu, rèn luyện trong tập thể cán bộ giáo viên và học sinh. Là người đứng đầu nhà trường, chị luôn tự nhắc nhở bản thân và các cán bộ, giáo viên nhà trường là phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết. Do đó, nhà trường đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học nhằm đảm bảo một giờ dạy hấp dẫn, hiệu quả cho học sinh.
Song song với những việc làm đó, đồng chí Hiệu trưởng trường tôi đặc biệt nhấn mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà cho học sinh và chất lượng của học sinh mũi nhọn. Với những học sinh giỏi, học sinh có năng khiếu chị thường xuyên động viên, khuyến khích để các em phát huy hết sở trưởng của mình, không chỉ trong các môn văn hóa mà còn cả các môn nghệ thuật, thể dục thể thao. Chị luôn nhắc chúng tôi: “Mỗi học sinh đều có những năng lực đặc biệt. Người giáo viên cần biết thắp sáng những tài năng đó trong các em”. Vì lẽ đó, trong những năm qua, thành tích đạt được của học sinh trường THCS Phan Đình Giót tiếp tục được duy trì. Chỉ tính riêng trong học kì 1 năm học 2019 – 2020, nhà trường đạt 32 giải học sinh giỏi các môn văn hóa cấp Quận (11 giải Nhì, 12 giải Ba, 9 giải Khuyến khích), có 10 em được tham dự Học sinh giỏi cấp thành phố. Đặc biệt, trong năm học này, nhà trường còn vinh dự có học sinh tham dự và đoạt giải kì thi Toán học quốc tế tổ chức ở Indonesia. Học sinh nhà trường còn đạt nhiều giải Thể dục thể thao cấp Quận và Thành phố ở các môn cờ vua, cờ trướng, karatedo, đá cầu, cầu lông; có những em bộc lộ năng khiếu về văn học, nghệ thuật của mình như em Khánh Linh, em Anh Thư đã tham dự cuộc thi The Voice Kids.
Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền trong buổi gặp mặt, động viên
học sinh nhà trường tham gia dự thi Học sinh giỏi cấp Thành phố
Cùng với chất lượng học sinh mũi nhọn của nhà trường, đồng chí Thanh Huyền cũng chú trọng đến chất lượng học sinh đại trà, đặc biệt là chất lượng thi vào lớp 10 THPT của học sinh lớp 9. Do đó, chị đã đề ra các biện pháp thiết thực để nâng cao chất lượng học sinh như động viên giáo viên tăng cường dạy phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu kém, ôn tập tiết 0 cho các con. Trong những buổi học đó, đồng chí Hiệu trưởng của chúng tôi luôn sát cánh cùng với giáo viên, lăn lội với các con. Đồng chí luôn là người đến sớm nhất và cũng là người về muộn nhất, nhắc nhở các con giữ nề nếp, ổn định để giáo viên chúng tôi đỡ vất vả trong công tác giảng dạy, quản lí học sinh. Trong những buổi dạy phụ đạo miến phí cho học sinh yếu kém từ 17h30 đến 19h30 hàng ngày, chị còn vào từng lớp cùng với giáo viên uốn nắn, chỉ bảo từng câu chữ, từng cách trình bày cho các con. Đặc biệt, trong đợt nghỉ để phòng trách dịch Covid –19 (vào tháng 2 năm 2020) chị luôn trăn trở, lo lắng về việc học tập của học sinh. Chị đã chỉ đạo, động viên các giáo viên tăng cường soạn các bài ôn tập, đôn đốc học sinh hàng ngày, chấm chữa bài kịp thời cho các con. Mặt khác, chị còn trực tiếp hướng dẫn các giáo viên giảng bài trực tuyến cho học sinh trên hệ thống website của nhà trường. Chính vì thế, chất lượng giáo dục đại trà của học sinh trường THCS Phan Đình Giót tiếp tục được duy trì là một điểm sáng của ngành giáo dục quận Thanh Xuân trong suốt những năm qua.
Không chỉ quan tâm đến việc nâng cao kiến thức cho học sinh, là một người quản lí có tầm nhìn, tiếp cận kịp thời với xu hướng đổi mới của ngành giáo dục, đồng chí Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Huyền đã chủ động lên kế hoạch về các hoạt động ngoại khóa để tăng cường giáo dục các kĩ năng theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Nhiều chuyên đề ý nghĩa đã được thực hiện ở trường tôi, có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và tình cảm của các em học sinh như chuyên đề về lòng biết ơn, chuyên đề về giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên, chuyên đề về bạo lực học đường, chuyên đề Sử dụng mạng xã hội đúng cách; các hoạt động ngoại khóa như Lễ hội Chào năm mới, Lễ Hội bánh chưng, Lễ hội văn hóa Nhật Bản, Tổ chức Tết Trung thu, Liên hoan hát và nói tiếng Anh.... Từ các chuyên đề và lễ hội ấy, học sinh có thêm nhiều hiểu biết về các lĩnh vực trong đời sống, có nhận thức đúng đắn, thái độ và tình cảm trong sáng, được bộc lộ năng khiếu, sở trường của bản thân mình. Từ đó, các em càng hứng thú hơn với việc học tập, mong muốn được đến trường nhiều hơn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền cùng tham gia sinh hoạt tập thể với học sinh
Điều làm tôi ngưỡng mộ và nể phục nhất ở đồng chí Nguyễn Thanh Huyền là chị luôn làm mọi điều từ cái “tâm” chân thành nhất của mình, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục đạo đức cho học sinh. Học sinh của trường tôi đa số đều ngoan ngoãn, có ý thức kỉ luật. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của môi trường sống, ảnh hưởng của gia đình, một số em còn chưa chăm chỉ học bài, có những hành vi cư xử chưa đúng với lứa tuổi và quy định của người học sinh. Chị Huyền luôn là người quan tâm, uốn nắn cho các con từ hành vi, cử chỉ, đạo đức, tác phong nhằm giúp các con có những cách hành xử đúng đắn. Tôi nhớ, ngay trong học kì 1 năm học 2019 – 2020, lớp 9A1 trường tôi có học sinh Bùi Anh Duy, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ bỏ nhau, ít quan tâm đến con khiến con chán nản, bỏ bê việc học. Cùng với sự lôi kéo của các bạn khác bên ngoài, con đã bỏ nhà đi và bỏ học nhiều ngày. Nhận được thông tin về tình hình của con từ giáo viên chủ nhiệm lớp 9A1, đồng chí hiệu trưởng đã nói một câu khiến chúng tôi rất xúc động: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, quyền học tập của học sinh cũng cần phải được đảm bảo”. Vì thế, ngay lập tức, đồng chí Nguyễn Thanh Huyền đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh, đến tận nhà để phối hợp với phụ huynh học sinh động viên con đi học. Tuy nhiên, khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Gia đình học sinh Bùi Anh Duy liên tục thay đổi chỗ ở, không gặp gỡ giáo viên chủ nhiệm. Do đó, đồng chí Hiệu trưởng đã cùng phối hợp với chính quyền địa phương, Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh, Ban Phụ trách Thanh thiếu nhi nhà trường cùng cô giáo chủ nhiệm tìm bằng được địa chỉ nơi ở của con. Không chỉ một mà rất nhiều lần, sau khi tìm ra nơi ở của gia đình, đồng chí hiệu trưởng của chúng tôi đã chờ đợi để được gặp phụ huynh học sinh. Có lần, chị chờ đến tận 22 giờ 30 phút để có thể gặp được học sinh Bùi Anh Duy và mẹ của con. Thậm chí còn nhờ cả họ hàng của học sinh tác động để có thể gặp được gia đình học sinh. Nhận thấy được sự chân thành từ cô Hiệu trưởng, mẹ của học sinh Bùi Anh Duy đã đồng ý gặp chị. Là một thành viên của Ban Phụ trách thanh thiếu niên nhà trường, tôi đã được tận mắt chứng kiến cuộc gặp gỡ ấy. Đó không phải là cuộc nói chuyện giữa một người Hiệu trưởng nhà trường và một phụ huynh học sinh mà đó là cuộc nói chuyện giữa hai người phụ nữ, hai người mẹ có con đang trong độ tuổi đến trường. Chị đã lắng nghe, tâm sự để thấu hiểu hoàn cảnh của gia đình, nắm tay thật chặt để chia sẻ sự vất vả với người phụ nữ ấy. Chị đã động viên phụ huynh của con để con đến trường, để những quyền lợi của con được đảm bảo. Không chỉ động viên bằng lời nói, chị Huyền còn chia sẻ cả về vật chất và tinh thần với học sinh. Chị đã tặng con một chiếc xe đạp để con đến trường được thuận lợi hơn, mua sách vở cho con, chị chủ động đóng tiền học phí cho con hàng tháng. Đặc biệt, chị Huyền còn quyên góp, ủng hộ quần áo đẹp, sách vở cho em trai của học sinh Bùi Anh Duy đang học ở Tiểu học. Chính nhờ sự chân thành của chị mà phụ huynh của con càng thêm tin tưởng nhà trường, học sinh Anh Duy thì chăm học hơn và biết thương mẹ, thương em nhiều hơn.
Trong trường tôi, còn có rất nhiều em học sinh nhận được sự quan tâm của đồng chí Hiệu trưởng. Cứ vào đầu năm học, tất cả các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của nhà trường đều được chị tặng 2 bộ đồng phục mùa hè, 1 bộ thể thao và 2 áo khoác mùa đông. Những dịp lễ, Tết như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán chị đều quan tâm đặc biệt đến các em có hoàn cảnh khó khăn và hoàn cảnh đặc biệt. Trước Tết Nguyên đán, bố của học sinh Vũ Thành Long lớp tôi đột ngột qua đời, chị Huyền đã nhắc nhở tôi phải đặc biệt quan tâm đến em ấy. Thật xúc động khi vào buổi học cuối cùng trước kì nghỉ Tết, chị mang một túi quà đến tận lớp tôi, tặng con và nói với con rằng: “Cô tặng con một chút quà Tết để con về thắp hương cho bố. Cô tin rằng, con sẽ mạnh mẽ vượt qua thời gian này để dù ở nơi đâu, bố con cũng luôn tự hào về con”. Sự quan tâm chân thành của chị đã chạm tới trái tim của từng học sinh và phụ huynh. Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng: “Cô Huyền thực sự là một cô giáo rất có “tâm”. Gặp cô Huyền là tôi yên tâm và tin tưởng lắm”. Lời nhận xét tuy ngắn gọn ấy nhưng đã thể hiện sự ghi nhận của phụ huynh với những việc làm của chị. Còn học sinh trong trường luôn kính trọng “cô hiệu trưởng của chúng con”. Hai năm nay, vào những ngày lễ kỉ niệm lớn của ngành như ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lại thấy đâu đó ở góc sân trường, dưới bóng hoàng yến, chị Hiệu trưởng thân yêu của chúng tôi cùng các học trò đã ra trường tay bắt mặt mừng, trò chuyện vui vẻ, các con lại tíu tít kể với cô về nỗi nhớ trường nhớ lớp, kể về ước mơ, hoài bão của mình… Với những người giáo viên chúng tôi, đó chẳng phải là sự thành công lớn nhất hay sao?
Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu nhà trường
tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Trung thu
Cùng với sự quan tâm, chăm lo cho học sinh, là một Bí thư Chi bộ, một Hiệu trưởng nhà trường đồng chí Nguyễn Thanh Huyền còn quan tâm đến tất thảy cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Chị Huyền luôn nhắc nhở chúng tôi, muốn nâng cao chất lượng học tập cho học sinh thì mỗi giáo viên phải không ngừng bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Vì vậy, chị luôn gương mẫu, đi đầu trong việc bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên. Trong những năm gần đây, tất cả các hoạt động dự thi giáo viên dạy giỏi, hay chuyên đề chị đều như một “quân sư”, lặng lẽ ngồi ở phía sau dự giờ, góp ý, xây dựng cho những người anh em, đồng chí, đồng nghiệp thân thiết của mình. Có khi là những giờ làm việc xuyên trưa, hay đến chiều tối, chị vẫn hết mình đóng góp ý tưởng, lắng nghe ý kiến của mọi người để hoàn thiện bài dạy cho các đồng chí dự thi; hay những lần chị tận tình làm đồ dùng dạy học, phác họa những hướng mới độc đáo… cốt để có một bài dạy sáng tạo và sâu sắc. Như lời chị nói, kết quả của cuộc thi giáo dạy dạy giỏi không chỉ là vinh dự, là thành công riêng cho một đồng chí nào, mà đó là thành công và niềm tự hào cho cả trường ta trên tinh thần đoàn kết, tượng trợ. Đó cũng chính là động lực, là niềm vui không chỉ của những đồng chí đi thi, mà quả thật, đó chính là niềm vui của tất thảy chúng tôi. Không chỉ với những đồng chí dự thi giáo viên giỏi, chị luôn dành thời gian đi dự giờ, góp ý cho các giáo viên trong nhà trường, nhất là những giáo viên trẻ giàu nhiệt huyết, nhưng những kĩ năng dạy học, tổ chức giờ học chưa thực sự vững vàng, khoa học. Khi đó, chị luôn chỉ bảo tận tình, kĩ lưỡng, từng chút một, từ những mục tiêu, các hoạt động cho đến các bước vận dụng, trải nghiệm. Sau mỗi lần như thế, ai trong mỗi chúng tôi đều thêm động lực và tự nhủ cần cố gắng hơn nữa trong việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ của mình.
Nhưng đáng quý hơn tất cả những điều đó là cách chị Huyền quan tâm, đối xử với đồng nghiệp. Chị luôn quan niệm, Phan Đình Giót là nhà của chúng tôi, các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường đều là anh em trong cùng gia đình. Ngôi nhà của chúng tôi đã được biết bao thế hệ đặt nền móng, dày công vun đắp, xây dựng. Vì thế, chị luôn trân trọng, biết ơn công lao của các thế hệ đi trước, đặc biệt là Ban Giám hiệu nhà trường qua các thời kì. Những buổi gặp gỡ, tri ân các thế hệ nhà giáo của nhà trường luôn được tổ chức trang trọng, xúc động và đầy ắp những tiếng cười. Có lẽ vì thế, các thầy cô giáo đã nghỉ hưu luôn mong muốn được trở về trường, gặp gỡ anh em, đồng nghiệp, sẵn sàng giúp đỡ các giáo viên trẻ chúng tôi và giúp đỡ nhà trường. Trong dịp gặp gỡ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019, cô Đàm Kiều Oanh – nguyên Hiệu trưởng của nhà trường đã nói: “Mỗi lần về trường, chúng tôi thực sự cảm thấy xúc động và ấm áp. Các đồng chí đã cho chúng tôi cảm nhận rằng, về trường là về nhà. Tôi rất vui khi trở về thấy các đồng chí ngày càng đoàn kết, gắn bó và chân thành với nhau”.
Đồng chí Nguyễn Thanh Huyền trong lễ tri ân
các thế hệ cán bộ, giáo viên đã nghỉ hưu của nhà trường
Sự đoàn kết, gắn bó ấy của trường THCS Phan Đình Giót một phần xuất phát từ sự tình cảm chân thành của chị Thanh Huyền. Chị xác định, thành công của nhà trường không phải từ sự cố gắng của một cá nhân mà là sức mạnh của cả một tập thể. Vì thế, chị luôn là người đầu tiên chia sẻ, giúp đỡ đồng nghiệp. Ngay từ những việc rất nhỏ như xếp thời khóa biểu, chị cũng lưu ý với đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn để giúp cho đồng nghiệp nhà xa, con nhỏ, hay những đồng chí đi học nâng cao kiến thức… có điều kiện tốt nhất để hoàn thiện tốt công tác giảng dạy của mình. Đặc biệt, trong những năm qua, thật đáng buồn là trường tôi có một số giáo viên mắc bệnh hiểm nghèo như đồng chí Đoàn Thị Nghĩa Thái, đồng chí Nguyễn Trường Anh, đồng chí Đàm Hải Uyên, đồng chí Nguyễn Thu Hương, đồng chí Phạm Thị Thu, đồng chí Nguyễn Thị Phương Thảo. Đặc biệt, đồng chí Thái đã chạy chữa bệnh ung thư từ 4 năm nay, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Chị Thanh Huyền luôn quan tâm đến các đồng chí ấy, động viên các đồng chí yên tâm chữa bệnh, cùng Công đoàn nhà trường giúp đỡ, thăm hỏi cả về vật chất lẫn tinh thần. Chị khuyên bảo chúng tôi cần phải chia sẻ với các đồng nghiệp. Đáng quý hơn, chị còn động viên và lưu ý chúng tôi quan tâm đến con của đồng chí Thái, đồng chí Trường Anh, đồng chí Thu Hương, đồng chí Phạm Thu đang học ở trường để các cháu yên tâm học tập. Chính vì thế, chị luôn khiến chúng tôi kính phục, ngưỡng mộ và yêu thương, gắn bó với nhau hơn.
Dù công việc trường lớp bộn bề là vậy nhưng đối với gia đình, chị luôn là người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, người mẹ dịu hiền. Chồng chị thường xuyên phải đi công tác xa. Một tay chị chăm lo công việc gia đình với một cháu lớn đang học lớp 10 và cháu bé mới 4 tuổi. Vậy mà chị luôn chu toàn mọi việc. Hai đứa con chị đều ngoan ngoãn, học giỏi. Năm học 2018 – 2019 cháu Nguyễn Phương Thảo – con chị đã thi đỗ vào trường THPT Khoa học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) – một trong những ngôi trường hàng đầu, tiên phong trong việc tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Là một người quản lý ở trường, nhưng về nhà, chị là người phụ nữ có cuộc sống hạnh phúc bình dị cùng gia đình và được mọi người yêu quý, kính trọng. Chị thật xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Có thể nói, ở đồng chí Nguyễn Thanh Huyền hội tụ đầy đủ cái tầm, cái tâm và cái tài. Đó là cái tầm của một đồng chí lãnh đạo, biết định hướng đúng đắn, kịp thời những chiến lược chuyên môn, nề nếp cho toàn trường; là cái tâm của một cô giáo hết mình vì học trò, một đồng chí hi sinh hết mình cho công tác của trường; là cái tài của người giỏi chuyên môn, biết nhìn nhận đánh giá giáo viên công tâm, minh bạch, khách quan, biết nhìn nhận đánh giá đúng người, đúng năng lực… Chính vì lẽ đó, đồng chí Nguyễn Thanh Huyền xứng đáng là tấm gương “người tốt – việc tốt” mà anh em đồng nghiệp chúng tôi cần học hỏi, noi gương.