Căn cứ Kế hoạch 2813/SGD&ĐT-KHCN ngày 18/7/2016 của Sở GD&ĐT Hà Nội về việc tổ chức cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” năm 2016;
Căn cứ Công văn số 18 /PGD&ĐT ngày 08/08/2016 của Phòng GD&ĐT Quận Thanh Xuân ngày 8/8/2016;
Trường THCS Phan Đình Giót xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi “Thiết kế bài giảng điện tử E-learning” năm 2016 như sau:
I. Mục đích - yêu cầu
- Nhằm đẩy mạnh phong trào ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong đổi mới phương pháp dạy học một cách sáng tạo, hiện đại, tăng cường tính tínch cực và tự học.
- Bước đầu xây dựng bộ Dư địa chí Việt Nam trên cơ sở ứng dụng bài giảng điện tử e-Learning.
- Xây dựng nguồn tư liệu về đất nước, con người Việt Nam trên 63 tỉnh, thành phố để tạo ra nguồn tư liệu ban đầu cho đề án xây dựng một bộ Dư địa chí Việt Nam trong tương lai. Qua đó bổ sung tư liệu cho các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí. Đồng thời cũng tạo điều kiện giới thiệu về đặc tính tiềm năng kinh tế, văn hóa, xã hội của từng địa phương.
2. Nội dung và đối tượng tham gia dự thi
Bài giảng E-learning với chủ đề Dư địa chí Việt Nam và các môn học ( Nội dung chính liên quan đến văn hóa và lịch sử địa phương, danh nhân văn hoá và lịch sử, quá trình hình thành, điều kiện địa lý, thổ nhưỡng, con người, vùng đất, nếp sống, phong tục, tập quán, lễ nghi, tôn giáo, những chuyển động và biến đổi về tự nhiên, về con người, về đời sống văn hóa, xã hội của địa phương trong quá khứ, hiện tại và, tương lai. Đồng thời nói lên những cảm nhận về nét đẹp, những huyền thoại, những mẩu chuyện về tình yêu, vùng đất, con người nơi quê nhà)
100% các đồng chí giáo viên tham gia dự thi
3. Thời gian tổ chức cuộc thi
Phát động, tổ chức cuộc thi Thiết kế bài giảng E-learning cấp trường từ ngày 15/8/2016-30/92016
4. Yêu cầu đối với bài dự thi
Bài giảng phải hoàn chỉnh một nội dung cụ thể (tối thiểu là một tiết học trong chương trình giáo dục phổ thông, dư địa chí đảm bảo giới thiệu đầy đủ về một nội dung), chính xác, khoa học, đảm bảo tính hệ thống, chuẩn mực; tổ chức thực hiện và phân phối thời gian bài giảng phù hợp, hấp dẫn; khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại, tự tạo học liệu (hình ảnh, đồ họa, video…).
- Bài giảng phải do chính giáo viên, nhóm giáo viên thiết kế, xây dựng, chưa từng được công bố, lưu hành, chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng (tên bài, nội dung không trùng với bài đã dự thi năm trước). Đảm bảo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
- Bài giảng phải có 3 phần: Phần đầu (trang đầu bài dự thi phải đầy đủ các thông tin theo mẫu hướng dẫn); Phần nội dung (trình bày theo kịch bản giảng dạy của tác giả); Phần cuối (trang thông tin về tài liệu tham khảo, cần ghi rõ nguồn gốc của thông tin tham khảo sử dụng trong bài dự thi, không vi phạm bản quyền).
- Ngôn ngữ chính thức sử dụng trong bài giảng là tiếng Việt, sử dụng bảng mã Unicode. Bài giảng phải được Việt hóa hoàn toàn (trừ bài giảng môn Ngoại ngữ), có logo của giáo viên (nhóm giáo viên) và logo của trường; nội dung bài giảng có video ghi hình người giảng, video tư liệu, thực hiện thí nghiệm, thực hành, các trang trắc nghiệm tương tác để củng cố kiến thức, phù hợp với đối tượng người học, kích thích người học tích cực tư duy, tiếp thu nhanh chóng, chính xác nội dung bài giảng.
- Bài giảng phải được xuất bản dưới dạng web, đọc được trên các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại di động (chuẩn HTML5). Chú ý tìm phiên bản mới nhất của phần mềm đáp ứng chuẩn HTML5 (xem danh mục các phần mềm gợi ý đính kèm).
- Việc khai thác, sử dụng và chia sẻ bài dự thi thuộc quyền của Ban Tổ chức; bài dự thi đã nộp sẽ không được rút lại.
5. Tiêu chí đánh giá bài dự thi
Việc đánh giá kết quả của bài giảng được thực hiện dựa trên một số tiêu chí chính như sau:
5.1. Công nghệ
- Bài giảng e-Learning được tạo ra từ các phần mềm công cụ soạn bài giảng đáp ứng chuẩn HTML5.
- Sử dụng các công nghệ làm bài thí nghiệm ảo, phần mềm mô phỏng được tạo bởi các Java applet, flash video có tính tương tác cao.
- Có ghi hình và lời giảng (tiếng) khi giảng bài. Lời giảng phải mô phạm, lôi cuốn, hấp dẫn, phù hợp, chính xác khi xuất hiện chữ và hiệu ứng. Hình ảnh phải sắc nét, mô phạm, không bị rung, lắc; cảnh quay phù hợp với nội dung bài giảng.
- Âm thanh, màu sắc, phông chữ, hình ảnh, hiệu ứng phải hài hòa, sắc nét, dễ tiếp nhận cho người xem, không gây khó chịu.
- Sử dụng các đường kết nối khi cần.
- Tính mẫu mực trong thiết kế để người khác có thể áp dụng theo.
- Có đủ các file, đóng gói theo chuẩn SCORM.
5.2. Về nội dung
- Chính xác, khoa học về nội dung bài giảng.
- Bảo đảm tính hệ thống, làm rõ trọng tâm, liên hệ thực tế có tính giáo dục cao.
- Tính sáng tạo, thiết thực, bám sát thực tế, khoa học và đổi mới.
- Tính hoàn thiện, hệ thống đối với từng bài giảng và từng môn.
- Tính rõ ràng trong trích dẫn nguồn tài liệu, học liệu tham khảo.
5.3. Tính sư phạm và phương pháp truyền đạt
- Lấy mục đích đáp ứng nhu cầu tự học của người học là cơ bản.
- Bài giảng hấp dẫn, lôi cuốn, dễ hiểu, dễ tiếp nhận.
- Tạo tình huống học tập.
- Có tính tương tác và hấp dẫn.
- Có nội dung kiểm tra, đánh giá kết quả người học.
5.4. Hình thức
- Trang/Slide đầu của bài giảng phải trình bày như sau:
Mục tin
|
Ví dụ về trang đầu của bài giảng điện tử
|
Thông tin cuộc thi
|
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO QUỸ LAWRENCE S.TING
Cuộc thi quốc gia Thiết kế bài giảng e-Learning lần thứ 4
--------------------
|
Tiêu đề bài dự thi
|
Bài giảng: ……………………….
|
Chủ đề
|
Dư địa chí Việt NamhoặcMôn Vật lý, lớp 9
|
Tên tác giả
|
Giáo viên: Lê Văn A
|
Email
|
…………………….
|
Điện thoại
|
Điện thoại di động: 0…………………
|
Đơn vị
|
Trường THCS Phan Đình Giót
|
Địa chỉ công tác
|
Số 3 phố Nhân Hòa, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội
|
Giấy phép bài dự thi
|
CC-BY hoặc CC-BY-SA
|
Tháng/năm
|
Tháng 10/2016
|
- Phông nền, màu sắc, ảnh hài hòa phù hợp cho mọi đối tượng.
6. Tổ chức thực hiện:
- Thành lập Ban tổ chức cuộc thi cấp trường, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra tiến độ hoàn thành sản phẩm dự thi.
- Chấm cấp trường: Ngày 02/10/2016
- Chọn mỗi môn 01 bài dự thi có chất lượng tốt nhất nộp về Phòng GD&ĐT vào ngày 4/10/2016