Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân Hà Nội là ngôi trường có bề dày thành tích trong phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”, một điểm sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân. Có được những kết quả đáng tự hào ấy là nhờ sự phấn đấu không mệt mỏi của Hội đồng sư phạm nhà trường, đặc biệt là thành tích của một cô giáo đầy nhiệt huyết và năng lực: cô Bùi Việt Anh.
Tôi và cô giáo Việt Anh cùng chuyển về công tác tại trường THCS Phan Đình Giót từ năm học 2014 – 2015. Trải qua gần 4 năm học được làm việc bên cạnh chị, hiểu chị, tôi càng khâm phục một cô giáo đầy tinh thần trách nhiệm như chị.
Nhắc đến cô giáo Bùi Việt Anh, học sinh, phụ huynh cũng như những đồng nghiệp trong trường ai cũng quý mến. Họ quý mến trước hết bởi năng lực chuyên môn của cô giáo.
Cô giáo Bùi Việt Anh là giáo viên môn tiếng Anh, mới chuyển về công tác tại nhà trường từ trường THCS Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) được gần 4 năm nhưng cô giáo Bùi Việt Anh đã đạt được những thành tích đáng nể:
* Những thành tích đã đạt được khi công tác tại trường THCS Phú Đô:
- Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải C cấp Thành phố, loại A cấp Quận (năm học 2005-2006).
- Sáng kiến kinh nghiệm đạt loại B cấp Quận (năm học 2001-2002).
- Sáng kiến kinh nghiệm đạt loại B cấp Quận (năm học 2010- 2011).
- Danh hiệu “giáo viên giỏi” cấp Quận (năm học 2005-2006)
- Danh hiệu “giáo viên giỏi” cấp Quận (năm học 2012-2013).
- Sáng kiến kinh nghiệm đạt loại B cấp Thành phố (năm học 2012- 2013).
- Sáng kiến kinh nghiệm loại C cấp Thành phố (năm học 2013-2014).
- Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “giáo viên giỏi”, “ giáo viên tiên tiến” cấp Trường.
- Có học sinh giỏi cấp Quận và được chọn vào đội tuyển cấp Thành phố.
- Có nhiều học sinh đỗ vào các trưòng Chuyên ngữ Hà Nội và Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Đông.
* Những thành tích đã đạt được khi công tác tại trường THCS Phan Đình Giót:
- Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải C cấp Thành phố, loại A cấp Quận (năm học 2015-2016).
- Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải C cấp Thành phố, loại A cấp Quận (năm học 2016-2017).
- Có học sinh giỏi cấp Quận và được chọn vào đội tuyển cấp Thành phố môn Anh năm học 2015 – 2016 và năm học 2017-1018
- Có sản phẩm thiết kế bài giảng lọt vào vòng chung khảo Cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning cấp Quốc gia môn tiếng Anh 7.
Điều đáng quý là cô giáo Bùi Việt Anh không vì những thành tích đã đạt được mà hài lòng, không cố gắng phấn đấu. Ngược lại, cô giáo Bùi Việt Anh luôn không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn với quan niệm “Giờ học hay nhất vẫn còn ở phía trước”. Những giờ dạy của cô giáo Việt Anh đã trở thành những tiết học quý báu để cho chúng tôi học tập. Cách cô truyền cảm hứng cho học sinh trong bài dạy đã khiến cho chúng tôi thật sự bất ngờ. Những phương pháp, hình thức dạy học tích cực được cô khéo léo vận dụng trong giờ học khiến cho giờ học tiếng Anh của cô thật sôi nổi, hiệu quả và phát huy được hết năng lực của học sinh.
Chính vì sự vững vàng trong chuyên môn của mình mà bắt đầu từ năm học 2016 – 2017, cô giáo đã được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao cho trọng trách: tổ trưởng tổ chuyên môn tổ Xã hội 2 (các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục và tiếng Anh) thay thế cô Trương Thị Thủy về hưu. Từ khi làm tổ trưởng, cô giáo Bùi Việt Anh đã có nhiều đóng góp về chuyên môn để đổi mới phương pháp dạy học, theo kịp sự đổi mới của ngành giáo dục. Với sự vững vàng trong chuyên môn, sự quan tâm, động viên, khích lệ đồng nghiệp, tổ Xã hội 2 đã đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Các giáo viên trẻ được bồi dưỡng, trưởng thành hơn trong chuyên môn. Các tổ viên trong tổ đoàn kết, thường xuyên giúp đỡ nhau trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Bên cạnh năng lực chuyên môn, điều khiến phụ huynh, học sinh và giáo viên chúng tôi yêu mến, ngưỡng mộ cô Việt Anh hơn nữa chính là lòng yêu nghề, yêu trẻ, sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm của cô giáo. Được nhà trường giao nhiệm vụ chủ nhiệm từ năm học 2016 – 2017, sau gần 2 năm học được cô chủ nhiệm , học sinh lớp 7A6 đã coi cô như người mẹ hiền thứ hai. Điều đó cũng thật dễ hiểu khi cô luôn yêu thương, quan tâm đến từng học sinh của mình. Cô nhẹ nhàng, động viên, dạy bảo các con khiến học sinh của cô vô cùng xúc động và yêu mến. Tôi vẫn còn nhớ, năm học 2015 – 2016, tôi được Ban Giám hiệu nhà trường cử chủ nhiệm lớp 9A3 thay một đồng chí giáo viên nghỉ vì phải phẫu thuật. Khi tôi bước vào lớp chủ nhiệm, đồng chí Việt Anh đã kéo tôi ra và nói: “Mặc dù em chỉ chủ nhiệm các con vài tháng nhưng em hãy coi các con như chính con đẻ của mình để yêu thương và dạy dỗ. Hãy làm hết sức. Đây là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của các con. Chị suy từ chính con trai chị mà ra nên chị thương các con lắm. Em hãy tự đặt câu hỏi cho mình: “Sau khi rời khỏi ngôi trường này, các con sẽ làm gì? Đi đâu?”. Tự nhắc nhở mình như thế mà cố gắng, em nhé!” Những câu nói ấy đã khiến tôi thật sự xúc động, trở thành động lực cho tôi. Và tôi hiểu, tại sao học sinh lại yêu chị đến thế. Hơn tất cả là vì một chữ “Tâm” mà chị dành cho các con.
Không chỉ nhiệt tình, sáng tạo trong công tác, điều khiến tôi thêm quý trọng cô giáo Bùi Việt Anh hơn chính ở tinh thần, ý chí và nghị lực của chị. Tháng 10 năm 2017, chồng cô giáo là Thượng tá, Bác sĩ An Thành Phú được cử đi công tác tại đảo Song Tử Tây, thuộc quần đảo Trường Sa. Hiểu được những vất vả mà chồng đang trải qua, chị đã kiên cường làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, một người phụ nữ và gách vác cả những công việc, bổn phận của một người chồng, người cha trong gia đình.
Chị từng tâm sự: “Đã là vợ chiến sĩ là chuẩn bị sẵn tinh thần chồng sẽ phải công tác xa nhà, theo phân công của đơn vị. Khi con trai đầu lòng mới một năm tuổi, chồng đã phải đi công tác ở Tây Nguyên 3 năm nhưng vì vẫn ở đất liền nên vài tháng vợ chồng chị vẫn có điều kiện để gặp nhau. Anh vẫn có dịp về thăm con. Tuy nhiên, đợt đi công tác Trường Sa lần này là lâu và xa nhất”.
Bác sĩ An Thành Phú đi công tác khi hai con đều trong giai đoạn quan trọng của sự nghiệp học tập. Con lớn là An Thành Đức (học sinh lớp 12 chuyên Sinh 2, trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên) chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia. Con nhỏ là An Ngọc Khánh Linh (học sinh lớp 5A4, trường TH Nhân Chính (Thanh Xuân) sẽ chuyển cấp từ lớp 5 lên THCS. Đây là giai đoạn cần sự chăm lo, quan tâm của cả bố và mẹ. Cần sự nhắc nhở, động viên, định hướng của cha. Thêm vào đó, bà nội của các cháu năm nay đã hơn 90 tuổi, sức khỏe cũng đã yếu. Chính vì vậy, gánh nặng đặt lên vai cô giáo Bùi Việt Anh không hề nhẹ. Người đàn ông vốn là trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa tinh thần cho người vợ nhưng khi anh đi công tác, một mình chị phải thay anh làm tất cả. Vất vả nhất là lúc con ốm, chị phải chạy đôn chạy đáo đưa con đi khắp các bệnh viện. Với người con trai, chị vừa là bạn, vừa tấm gương cho con để dạy con sự kiên cường, mạnh mẽ. Tết Mậu Tuất vừa rồi, một mình chị thay anh chăm lo cho gia đình, chuẩn bị chu đáo để mẹ già và các con không cảm thấy thiếu thốn. “Chị vẫn nhắn nhủ với anh ấy rằng, hãy yên tâm công tác, ở nhà đã có vợ lo chuyện gia đình. Ngày anh về nhớ mang theo một kho tư liệu về Trường Sa để vợ giới thiệu cho học sinh” – cô giáo Bùi Việt Anh chia sẻ.
Thương người chồng ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, mỗi lần được nói chuyện với anh, chị đều nhẹ nhàng động viên, chưa bao giờ kêu khó khăn, vất vả để chồng yên tâm công tác. Chị đã từng nói với tôi, đối với chị, người chồng ở đảo xa là niềm tự hào bởi cả chị và anh đều đang được cống hiến cho Tổ quốc. Chính vì thế, gần nửa năm qua, một mình gánh vác công việc gia đình, chị vẫn hoàn thành xuất sắc công việc của nhà trường. Tôi chưa vào giờ thấy chị buồn phiền hay mệt mỏi, chán nản, chị luôn tràn đầy năng lượng, tràn đầy sức sống. Hai đứa con của chị xa bố nhưng đều chăm ngoan, học giỏi, biết yêu thương, kính trọng mọi người. Chị từng tâm sự với tôi: “Với chị, Trường Sa thực sự không xa bởi chị luôn hướng về chồng và chị cũng biết rằng chồng luôn quan tâm đến chị”. Sự vững vàng chị chính là động lực để người chiến sĩ nơi hải đảo xa xôi yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó.
Bốn năm học sắp qua, thời gian trôi đi thật nhanh! Được sống, làm việc bên những người đồng nghiệp, người chị như cô giáo Bùi Việt Anh là niềm hạnh phúc của tôi. Cảm ơn ngôi trường Phan Đình Giót thân yêu đã cho tôi gặp gỡ và sống những tháng ngày đầy ý nghĩa bên cạnh những người đồng nghiệp đáng trân trọng ấy!
Một số hình ảnh về cô giáo Bùi Việt Anh:
Cô Bùi Việt Anh trong buổi họp Hội Cha mẹ học sinh đầu năm học
Cô giáo Bùi Việt Anh trong giờ dạy ở trên lớp
Đại gia đình cô giáo Bùi Việt Anh
Thượng tá, Bác sĩ An Thành Phú – chồng cô giáo Bùi Việt Anh
Thượng tá, Bác sĩ An Thành Phú đang công tác
tại đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa
Những món quà giản dị Thượng tá, Bác sĩ An Thành Phú gửi tặng vợ
nhân ngày 08/03 từ hải đảo xa xôi
Ba mẹ con cô giáo Bùi Việt Anh trong Hội nghị gặp mặt giáo viên là vợ,
học sinh là con chiến sĩ đang công tác tại quần đảo Trường Sa
của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội