“Làm công tác công đoàn trong nhà trường là phải luôn sát cánh với chuyên môn cũng như mọi hoạt động khác, phải biết chăm lo đến đời sống, bảo vệ các quyền lợi hợp pháp chính đáng của cán bộ, đoàn viên. Nếu không nhiệt tình, không tâm huyết thì không thể làm được công tác công đoàn… ”. Đó là chia sẻ rất chân tình, mộc mạc của thầy giáo Phạm Văn Quynh, người đã có thâm niên hai mươi ba năm liên tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch công đoàn trường Trung học cơ sở Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội khi được hỏi về bí quyết thành công của người làm công tác công đoàn cơ sở.
Ngược dòng thời gian, ba mươi bảy năm về trước (năm 1980), thầy giáo Phạm văn Quynh tốt nghiệp khoa Toán Lý, trường “Đại học Sư phạm Hà Nội 2” khoá đầu tiên. Với lý tưởng sống cao đẹp của tuổi trẻ Việt Nam, thầy giáo trẻ Phạm Văn Quynh đã tạm xa gia đình, từ biệt Thủ đô Hà Nội cùng cuộc sống thảnh thơi, nhàn nhã chốn đô thành, hăng hái lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thân yêu. Thầy đã vượt 280 km đường núi quanh co hiểm trở, vượt qua đèo Khau Phạ, một trong “tứ Đại Đèo” của Tây Bắc, đến với vùng đất Mù Cang Chải. Đây là một huyện vùng cao nghèo nhất của tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là tỉnh Yên Bái), nằm dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, có chiều cao một nghìn mét so với mặt biển. Ngày nay, người ta biết đến cái tên Mù Cang Chải với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt hay vàng óng mùa lúa chín, màu của vàng rực hoa cải trải khắp mọi nơi, là địa điểm “đi phượt” lý tưởng của giới trẻ… Nhưng ngày ấy là một Mù Cang Chải vô cùng heo hút, nơi tận cùng của gian nan, nghèo khó. Bởi nơi đây, chủ yếu là người dân tộc H’Mông sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các gia đình đều bị cái đói, cái rét hành hạ dai dẳng quanh năm suốt tháng. Điện không có, nhìn đâu cũng chỉ có núi rừng trùng điệp, bản làng xa xôi, dân cư thưa thớt, lại đắm chìm trong bao hủ tục lạc hậu. Do không có điều kiện xây trường, xây lớp nên các lớp học nơi đây chính là các nhà sàn cũ kĩ, hoặc các túp lều được lợp bằng phên, nứa sơ sài, bên trên phủ mái tranh. Đường đi toàn dốc nối dốc dài tưởng chừng vô tận, đá lở giăng ngập lối, bên cạnh là những vực sâu hun hút không thấy đáy, không có rào chắn. Cùng đồng nghiệp chứng kiến cảnh sống khó khăn của người dân, thầy không khỏi ứa nước mắt xót xa cho cuộc sống nghèo khổ của các em nhỏ nơi miền sơn cước này. Mùa đông, gió thổi rét buốt nhức nhối đến thấu xương, các em cũng chỉ có mỗi chiếc áo mỏng manh, hai hàm răng lập cập, da thịt tím bầm. Rất nhiều em nhỏ không được đến trường do cuộc sống quá đói nghèo hoặc đường đi cách núi ngăn sông… Vất vả, khó khăn là thế nhưng thầy không nản chí. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy Phạm Văn Quynh đã bám bản, không quản vất vả để góp phần mang cái chữ đến cho các em. Vừa đứng lớp, vừa trèo đèo lội suối đến từng bản làng xa xôi vận động từng gia đình cho con em đến trường, thầy đã góp phần nhỏ bé của mình để giúp nhiều em nhỏ thoát cảnh mù chữ. Từ một giáo viên, với tinh thần cộng đồng trách nhiệm và lòng thương yêu học trò, thầy đã trở thành Hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp Mù Cang Chải, vinh dự năm năm liền đạt danh hiệu “ Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.
Năm 1987, thầy Quynh xin chuyển công tác về Hà Nội để tiện chăm sóc bố mẹ già. Đến năm 1992, thầy bắt đầu gắn bó với mái trường Trung học cơ sở Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân cho tới nay. Ngày ấy, trường mới thành lập, cơ sở vật chất vừa nghèo nàn thiếu thốn lại vừa chung với trường Tiểu học. Mặt khác, do đang ở thời kỳ “làng lên phố” nên trình độ dân trí còn chưa cao, nhiều phụ huynh còn mải mưu sinh nên không có điều kiện thời gian chăm sóc, quản lí con em…Thầy đã lại không ngại ngần chung tay cùng lớp giáo viên đầu tiên xốc vác mọi công việc, xây nền đặt móng cho nhà trường. Với kinh nghiệm công tác cùng khả năng quản lý, thầy Quynh được Hội đồng Sư phạm nhà trường tín nhiệm bầu làm Phó bí thư chi bộ nhà trường ngay từ năm học đầu tiên(1992). Và từ năm 1994 đến nay, thầy liên tục đảm nhiệm vị trí chủ tịch công đoàn trường THCS Phan Đình Giót.
Tôi rất may mắn và vinh dự được là một thành viên của ngôi nhà Phan Đình Giót đã hai mươi năm qua. Tôi vẫn không quên ngày đầu tiên đến trường với bao bỡ ngỡ rụt rè của một cô giáo ngoại thành chuyển công tác. Nhưng chính ngày đầu tiên ấy, tôi đã được thầy hỏi han, chia sẻ. Nụ cười thân thiện, giọng nói ấm áp nhẹ nhàng cùng sự chân tình mộc mạc của thầy đã gieo vào lòng tôi cảm giác thân thuộc biết bao với ngôi trường mới. Năm tháng trôi qua, trong cảm nhận của tôi, thầy luôn là người rất cần mẫn, trách nhiệm trong mọi công việc, nhất là lĩnh vực công đoàn. Mỗi buổi sáng, thầy luôn là người đến trường rất sớm để chăm lo quán xuyến công việc. Và sáng nào cũng vậy, thầy luôn cẩn thận thử loa đài ( cái loa ngày ấy hay phát ra những âm thanh khọt khẹt như người ngạt mũi) để chuẩn bị cho cô tổng phụ trách Đội điều khiển học sinh giờ truy bài, thầy vào phòng Hội đồng viết thông báo ở bảng tin công đoàn, hoặc nhiều khi là trò chuyện thân tình với anh chị em giáo viên làm công tác trực tuần hay các anh bảo vệ… Hình ảnh thầy thoăn thoắt đi đi lại lại cứ thế đã thành thân quen tự bao giờ với chúng tôi. Trong mỗi câu chuyện, có khi chỉ là chuyện gẫu, thầy luôn mang đến tiếng cười vui vẻ, góp phần làm dịu đi bao vất vả, nhọc nhằn cho mọi người.
Với cương vị là Chủ tịch công đoàn, thầy luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu của công đoàn cơ sở là chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên cán bộ giáo viên và nhân viên. Bởi vậy, thầy đã chủ động tham gia cùng chính quyền trong việc phổ biến, giám sát, thực hiện chế độ cho người lao động; đồng thời mở rộng việc thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường. Bên cạnh đó, thầy luôn phối hợp nhịp nhàng với Ban giám hiệu nhà trường để thực hiện tốt việc chăm lo, quan tâm đến đời sống tinh thần cho các đoàn viên công đoàn trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Vừa giảng dạy môn Vật lý và Tin học, lại vừa kiêm nhiệm công tác nên thời gian của thầy khá hạn hẹp; trường lại càng ngày càng đông giáo viên, nhưng thầy luôn chủ động dành thời gian để tổ chức thăm hỏi kịp thời các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, khi ốm đau hoặc khi có nỗi buồn. Thầy cũng chưa bao giờ quên chúc mừng, động viên khi các thành viên công đoàn có niềm vui. Suốt hai mươi năm qua, hầu như tôi chưa thấy thầy vắng mặt trong bất cứ kỳ cuộc thăm hỏi, sẻ chia nào. Dường như thầy luôn sẵn sàng tư thế “lên đường” và “trên từng cây số” với anh chị em bất kể là xa gần, mưa nắng trong các công việc hiếu hỉ. Thầy luôn là người để anh chị em gần gũi, chia sẻ. Hình ảnh một cán bộ công đoàn luôn vui vẻ, nhẹ nhàng, tâm lý đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng mỗi cán bộ giáo viên nhân viên trong trường. Thầy cũng đã từng trầm ngâm đúc kết: “ Điều quan trọng và cơ bản là phải biết tôn trọng tất cả mọi người, biết lắng nghe, biết thấu hiểu, giải quyết mọi vấn đề sao cho thấu tình đạt lý mới tạo được niềm tin vững chắc trong lòng anh chị em…”. Trong điều kiện quỹ công đoàn trường còn eo hẹp, thầy luôn cùng với Ban chấp hành công đoàn cân nhắc, co kéo để động viên, khen thưởng anh chị em kịp thời nhất, thoả đáng nhất; hoặc hỗ trợ nhà trường trong các hoạt động cần thiết. Những phần thưởng tuy bé nhỏ về vật chất nhưng nhờ cách nhìn nhận, đánh giá động viên khích lệ của thầy nên mọi người luôn cảm thấy ấm lòng. Ngoài ra, thầy còn rất quan tâm đến chế độ trợ cấp, giúp đỡ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức cho cán bộ, viên chức, nhân viên đi tham quan, du lịch, nghỉ mát, khám sức khỏe định kỳ, kỷ niệm các ngày lễ lớn… Có thể nói, với tấm chân tình cùng sự nhiệt thành tận tuỵ, thầy luôn góp phần nhân lên niềm vui và làm vợi đi nỗi buồn để các thành viên công đoàn nhà trường thêm yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Tôi còn rất ấn tượng ở biệt tài thu hút sự chú ý của thầy. Mỗi kỳ đại hội hay họp hành, thầy thường phát biểu rất ngắn gọn, rõ ràng, pha chút dí dỏm hài hước nên luôn tạo ra bầu không khí vui nhộn với những tiếng cười sảng khoái kèm theo những tràng vỗ tay vang dội. Và khi cần, thầy lại trở thành một ca sĩ, có lúc là bất đắc dĩ nhưng luôn cháy hết mình với mỗi bài hát. Thầy được trời cho phú giọng ca trong trẻo, khoẻ khoắn. Nhiều khi, thầy còn tự chế ca từ (khi quên) cùng cách luyến láy với giai điệu theo cách của riêng mình, nhưng điều thú vị là thầy luôn được tất cả mọi người tán thưởng và cổ vũ nhiệt tình. Thầy đúng là sợi dây kết nối yêu thương gắn bó các thành viên công đoàn nhà trường thành mái ấm.
Nhìn lại chặng đường suốt hai mươi năm qua của công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, thật khó có thể kể hết được những phong trào, những cuộc vận động đã được khởi xướng, triển khai. Đó đều là những phong trào có ý nghĩa, gắn với nhiệm vụ chính trị của ngành, với hoạt động chuyên môn nhằm khích lệ thầy cô cố gắng hoàn thiện mình, học trò cố gắng rèn luyện, học tập chăm ngoan. Trong đó, tiêu biểu là các phong trào thi đua: “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” - “Cô giáo người mẹ hiền”. “Xây dựng nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch” “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”, “Cô giáo tài năng duyên dáng”… Trong tất cả các phong trào do công đoàn ngành phát động ấy, thầy Phạm Văn Quynh bao giờ cũng sát cánh với Ban giám hiệu. Thầy là người khởi xướng đồng thời cũng là người lăn lộn thực sự cùng anh em. Nhiều kì cuộc có dịp được tham gia, chúng tôi luôn được thầy đồng hành, động viên, chia sẻ. Với giá trị thực tiễn vốn có của những phong trào thi đua, sự vào cuộc của thầy đã tạo ra sức lan tỏa mãnh liệt, cuốn hút đông đảo các thành viên tham gia rất nhiệt tình. Vì thế Công đoàn trường Trung học cơ sở Phan Đình Giót đã đạt được những danh hiệu và phần thưởng cao quý: Công đoàn Vững mạnh Xuất sắc cấp Quận (19 năm liên tục, từ năm 1997 đến năm 2016); Công đoàn Xuất sắc cấp Thành phố, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Cờ và Bằng khen (năm 2002, 2004); được Liên đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen (2003)… Cùng với đó, các thành tích trong hoạt động dạy và học của nhà trường càng ngày càng khởi sắc. Có thể nói, một trong những thành công của hoạt động công đoàn nhà trường trong những năm qua là việc gắn kết với hoạt động chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao phẩm chất, đạo đức, năng lực và trình độ nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo. Có được những thành công với một bề dày đáng tự hào ấy, không thể không nói đến sự góp sức bền bỉ của thầy.
Năm học 2016-2017 là năm học thứ hai mươi ba trong thâm niên công tác công đoàn của thầy ở cương vị chủ chốt, cũng là năm học chuẩn bị kết thúc chặng đường trồng người của thầy (tháng 1 năm 2018, thầy được nghỉ chế độ). Ở tuổi 59, vóc dáng bé nhỏ, lại bệnh tật đe doạ, vậy mà tuyệt nhiên tôi chưa bao giờ thấy ở thầy một biểu hiện nào của sự chững lại, chùng xuống hay rã đám. Thầy vẫn năng nổ, nhiệt huyết và hài hước như thế. Có thể nói chưa có năm học nào, công đoàn các cấp lại triển khai nhiều hoạt động thi đua như năm học này. Và thầy vẫn sôi nổi cùng anh chị em tham gia “ Liên hoan tiếng hát giáo viên ngành giáo dục Thủ đô”; vẫn nhiệt tình cùng các vận động viên không chuyên tham gia “Thi đấu cầu lông trong cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục Thủ đô”. Đặc biệt, hưởng ứng “Hội thi tuyên truyền viên giỏi về triển khai, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2016”, thầy đã không quản ngại sớm tối, mưa nắng cùng các đồng nghiệp xây dựng kịch bản, chương trình, tập luyện để đạt giải Nhất cấp Quận rồi giải Nhất cấp cụm. Thầy còn khích lệ các thành viên công đoàn hưởng ứng cuộc vận động “Nhà giáo Hà Nội đổi mới và sáng tạo” nhằm nâng cao chất lượng dạy học… Trường trung học cơ sở Phan Đình Giót của chúng tôi đã có vinh dự được kết nghĩa với trường trung học cơ sở Thanh Luông, thành phố Điện Biên, nơi anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót đang yên nghỉ. Tháng ba vừa qua, nhà trường đã tổ chức lễ báo công tại nghĩa trang đồi A1 và hoạt động giao lưu với trường trung học cơ sở Thanh Luông. Thầy đã hăng hái từ khâu chuẩn bị, quyên góp, lên kế hoạch cùng Ban giám hiệu nhà trường. Vượt qua chặng đường trên 1000 km đi về chỉ trong hơn hai ngày, thầy vẫn rất dẻo dai, khoẻ khoắn, nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi. Thầy tâm sự rằng đây là một trong những hoạt động ý nghĩa nhất, tâm đắc nhất trong quãng đời gắn bó hơn hai mươi năm với nhà trường mà thầy hằng mong mỏi thực hiện được. Bởi về Điện Biên với thầy trò trường Phan Đình Giót là hành trình về nguồn, là sự tri ân với những anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh cho đất nước nở hoa hôm nay…
Trong hội nghị tổng kết mười năm thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” (giai đoạn 2007-2017); đánh giá một năm thực hiện phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” và trao giải thưởng “Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2017”, chúng tôi rất vui mừng và tự hào vì thành tích đã đạt được. Còn tôi, động lực để tôi tham gia cuộc thi “Viết về gương điển hình tiên tiến ngành giáo dục đào tạo Hà Nội năm 2017” để có bài viết này cũng chính bởi sự lan toả của thầy.
Hiệu quả của các phong trào thi đua trong năm học 2016-2017 của nhà trường đã được thể hiện qua những con số ấn tượng. Về hoạt động mũi nhọn trong học sinh, chỉ tính riêng về văn hoá: đạt 5 giải cấp Quốc gia, 24 giải cấp Thành phố và 85 giải cấp Quận. Về phía giáo viên, đạt 4 giải cấp Thành phố, 30 thầy cô giáo đạt danh hiệu dạy giỏi cấp Quận, 8 cô giáo đạt danh hiệu Chủ nhiệm giỏi cấp Quận…Thành tích đáng tự hào của nhà trường là kết quả của sự cộng đồng trách nhiệm cùng sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Và phía sau những thành công ấy, thấp thoáng bóng dáng người cán bộ công đoàn tận tuỵ, cần mẫn đi về sớm hôm.
Và ấn tượng đẹp nhất trong tôi là thầy, người cán bộ công đoàn đã kiên trì, tâm huyết kết nối sợi dây vô hình yêu thương trong mái ấm công đoàn Phan Đình Giót. Đôi khi, nghĩ tới ngày phải xa thầy, người đồng nghiệp, người anh thân thiết, lòng tôi thoáng đượm buồn…