Thế hệ trẻ chúng ta đang sống trong hòa bình, độc lập. Chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng không khí rực lửa của ngày đại thắng của niềm vui niềm tự hào dân tộc vẫn đang dâng trào trong tim. Càng trân trọng và tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc, chúng ta càng ý thức sâu sắc rằng để được cất lên lời ca mời gọi bạn bè năm châu. Để có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay, chúng ta đã phải đổi bằng xương máu của biết bao lớp người đi trước. Sáng thứ 2 ngày 03/04/2023, tập thể lớp 8A6 cùng với thư viện nhà trường tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ giới thiệu cuốn sách “35 NĂM VÀ 7 NGÀY” do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành lần đầu vào ngày 12/9/2005.
Những con số toán học: 35 và 7. Nhưng đó lại là những con số làm lay động lòng người. “35 năm”, đó là quãng thời gian mà bác sĩ Đặng Thùy Trâm và phóng viên quay phim chiến trường Nguyễn Văn Giá đã hy sinh, cũng là quãng thời gian cuốn nhật ký của chị Trâm cùng gần 50 bức ảnh của anh Giá được người cựu chiến binh Mỹ Fred Whitehurst giữ gìn và cho nó một số phận kỳ lạ. Còn “7 ngày” là thời gian kết thúc hành trình đó để cuốn nhật ký xuất hiện và làm rung động bao trái tim người Việt.
Cuốn sách “ 35 năm 7 ngày” tập trung kể về 2 người Mỹ với cái tên gần đây đã trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam là Fred và Rob. Họ đã đi cùng cuốn nhật ký kỳ lạ suốt một chặng đường dài 35 năm và cần có thêm 7 ngày để kết thúc hành trình đó.
Trong 7 ngày trên đất nước Việt Nam, những người đã gặp, những vùng đất đã ghé thăm, sự rộng lượng lòng vị tha của chúng ta đã thực sự làm họ kinh ngạc và xúc động. Và đúng như Fred hình dung chiếc ba lô đựng đầy kỉ niệm bật ra đã nhấn chìm ông trong nước mắt. Nhất là khi ông đến thăm gia đình chị Trâm, tới ngôi trường Chu Văn An, ngồi vào chỗ của chị Trâm ngày còn đi học, thắp hương lên bàn thờ liệt sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Giá, về lại chiến trường ác liệt Đức Phổ.
Cùng với chuyến trở về của Fred, cuốn sách hé mở những thông tin phong phú về 9 người Mỹ kì lạ đã giữ một cuốn nhật ký vô danh nhiều năm trong sự ăn năn, ám ảnh về quá khứ của sự khâm phục trước người phụ nữ anh hùng mà ông ta chưa hề biết đến. Trong cuộc hành trình 35 năm lưu lạc của nhật ký Đặng Thùy Trâm, còn có 48 bức ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Giá. Sự ngẫu nhiên thú vị ở đây là, chính cuốn nhật ký đã đóng vai trò tích cực, giúp tìm ra chủ nhân của những bức ảnh. Nhưng sự ngẫu nhiên này là kết quả tất yếu từ sự sắp xếp bất ngờ của số phận và những tấm lòng nhân ái. Anh Giá và chị Trâm cùng chiến đấu trên địa bàn Đức Phổ. Anh đã từng chụp một số ảnh chị Trâm và những bước chân đó thuộc số những thước phim anh chụp không lâu trước lúc hy sinh, và trước khi 2 cuộn phim cuối cùng lọt vào tay Fred.Việc Fred đem lại các kỉ vật của chị Trâm và anh Giá tưởng như chỉ có ý nghĩa riêng với 2 gia đình. Nhưng từ những bức ảnh của anh Giá, một triển lãm ảnh chiến tranh đã được mở, như sự tưởng nhớ đến “những người chép sử bằng hình”, chị Thùy Trâm như sống dậy trong ký ức của những người bạn đồng môn và bừng dậy cơn sốt nhật ký.
Chiến tranh đã đi qua nỗi đau thương vẫn còn đó trong lòng người. Nhưng với truyền thống yêu hòa bình phải nhân hậu và bao dung, dân tộc ta luôn mở rộng quan hệ hòa bình, hữu nghị, nối vòng tay lớn để hướng tới một tầm cao đáng tự hào về một dân tộc kiên cường, mạnh mẽ và cũng rất nhân văn.
Tôi cũng tin chắc rằng bạn đọc nói chung và các bạn học sinh trường Phan Đình Giót nói riêng sẽ đón nhận cuốn “35 năm 7 ngày” để cùng suy ngẫm, để tự thắp sáng tương lai cho mình dù trong bất cứ hoàn cảnh nào!