1. Nắm vững các kiến thức cơ bản về tác giả, tác phẩm
Kiến thức về tác giả là những hiểu biết cơ bản mà mỗi học sinh sau khi tìm hiểu một tác phẩm cần nắm vững. Đưa thông tin về tác giả vào mỗi bài văn nghị luận cũng là cách làm bài đem lại hiệu quả cao. Cách mở bài quen thuộc xuất phát từ tác giả là “thủ pháp” mà không ít học sinh đã từng áp dụng bởi sự ngắn gọn, đơn giản mà dễ ăn điểm của nó. Không chỉ vậy, nếu am hiểu về tác giả và một vài sáng tác tiêu biểu của họ, việc nghị luận xung quanh tác phẩm theo yêu cầu của đề bài sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Có thể lấy ví dụ về Chính Hữu với bài thơ “Ngày về” (không được học trong chương trình) và “Đồng chí” (SGK 9) được sáng tác lần lượt trước và sau Cách mạng để thấy được sự đổi khác trong hồn thơ của ông: từ phong trần, lãng mạn đến giản dị, hiện thực.
Nhà thơ Chính Hữu
Các kiến thức về tác phẩm bao gồm giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, các đoạn trích tiêu biểu, các đặc điểm của nhân vật,…Đây đều là những nội dung được nhấn mạnh trong bài giảng của giáo viên trên lớp, cần được tổng hợp lại một cách ngắn gọn, dễ hiểu cho mùa thi.
2. “Nằm lòng” những nhận định giá trị xoay quanh tác giả, tác phẩm
Trong một bài văn nghị luận văn học, các nhận định của các nhà phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ về đồng nghiệp hay các tác phẩm của họ có khả năng “dát vàng” cho câu chữ. Trước hết, đây là những nhận định giá trị làm lí lẽ của thí sinh trở nên thuyết phục. Ví dụ, khi muốn khẳng định đề tài làng quê, nông thôn Việt Nam xuất hiện phổ biến trong các sáng tác của nhà văn Kim Lân, các em có thể “mượn” nhận định của nhà văn Nguyên Hồng: “Một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy”. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhận định trong bài viết chứng tỏ khả năng đọc nhiều, hiểu rộng của thí sinh, tạo ra thiện cảm cho người chấm thi.
3. Ghi nhớ những chi tiết tương đồng ở các tác phẩm để liên hệ so sánh
So sánh, liên hệ là một thao tác phổ biến trong mỗi bài văn nghị luận. Để sử dụng hiệu quả thao tác này, các em cần tích cực tìm đọc các tác phẩm văn học trong và ngoài nhà trường, đồng thời rèn luyện khả năng tổng hợp tác phẩm để vận dụng khi cần thiết. Chẳng hạn, khi cảm nhận về chi tiết “chiếc bóng oan khiên” – chiếc bóng trên tường trong “Chuyện người con gái Nam Xương” – Nguyễn Dữ, các em có thể liên hệ so sánh với chiếc lá trên tường trong truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” – O-hen-ry. Nếu như chiếc lá được vẽ lên trong đêm buốt giá bởi người họa sĩ già đã cứu sống một con người, reo lên hi vọng trong cô gái trẻ trước nỗi đau bệnh tật thì chiếc bóng đã cướp đi mạng sống của Vũ Nương – người vợ sắt son chỉ biết gửi tình cảm thủy chung vào bóng đen trên bức tường cô quạnh. Câu chuyện Vũ Nương – Trương Sinh được tái hiện trên sân khấu
Câu chuyện Vũ Nương – Trương Sinh được tái hiện trên sân khấu
4. Luyện viết đều đặn, thường xuyên
Dĩ nhiên, mọi bí quyết đều không thể đạt được hiệu quả nếu các em học sinh không chịu khó luyện rèn. Một phương pháp đem lại nhiều cảm hứng cho các em khi viết là đọc những tác phẩm bình giảng của các nhà phê bình có tên tuổi trước tiên. Khi bắt được những lời văn đẹp, những cảm nhận hay góc nhìn tinh tế về tác phẩm của họ, các em có thể ghi chép lại, tạo “vốn liếng” viết văn cho chính mình. Quan trọng nhất, biến cái hay của người khác thành cái hay của mình là kĩ năng quan trọng trong quá trình tập làm văn, trước khi có những sáng tạo, cảm nhận của riêng mình.